Nội dung bài viết
Dân gian có câu “Đẹp Đình So, to Đình Cấn” nhằm nhấn mạnh vẻ đẹp của Đình So tại vùng đất Xứ Đoài địa linh nhân kiệt. Trong tập 2 vlog khám phá các địa điểm văn hóa, câu lạc bộ Xe Lười đã tổ chức chuyến hành trình khám phá ngồi Đình này. Với sự hỗ trợ từ những chiếc xe đạp trợ lực điện nhà PiGo, các thành viên dễ dàng vượt qua quãng đường dài để đến thăm ngôi đình nổi tiếng của xứ Đoài. Chuyến đi không chỉ mang lại trải nghiệm thú vị mà còn mở ra cơ hội tìm hiểu về di sản văn hóa độc đáo, giàu giá trị lịch sử của làng quê Bắc Bộ. Hãy cùng tìm hiểu về Đình So cùng Xe Lười trong bài viết dưới đây.
Lịch sử Đình So.
Đình So là niềm tự hào của làng So thuộc hai xã Cộng Hòa và Tân Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội, nơi thờ ba vị Nguyên Soái Đại Vương. Với vị trí tựa sơn hướng thủy, phía sau là Núi Rùa, phía trước là Sông Đáy, Đình So là nơi có tính tâm linh mạnh mẽ.
Theo truyền thuyết, vào thế kỷ 10, có ba người con của Thủy Thần đầu thai xuống hạ giới với tên gọi Hiện Hồ, Thiên Gia, Mệnh Gia. Với việc rất giỏi việc sông nước, tinh thông võ nghệ, ba ngài đã phò tá Vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn trong, giặc ngoài, thống nhất đất nước. Sau khi thiên hạ thái bình, 3 ngài đã giã từ đất nước, hóa thân về trời. Vua Đinh vô cùng thương xót và phong cho Hiện Hồ là “Đống Linh Thông hiệu Nguyên Súy Đại Vương”, Thiên Gia và Mệnh Gia phong làm “Nguyên Súy Đại Vương”, và cho lập miếu thờ 3 ngài (khoảng năm 968-980). Đến năm 1673 thời Hậu Lê, Miếu được tu sửa và mở rộng thành Đình So tồn tại đến ngày nay.
Sau hàng trăm năm tồn tại, Đình So đã được nhận 45 sắc phong từ các đời vua khác nhau. Sau khi thống nhất đất nước, Đình nhận thêm 2 sắc phong cấp nhà nước, trong đó năm 2018, Đình So được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt. Qua đó cho thấy giá trị văn hóa của ngôi Đình được đánh giá cao và được xếp vào các công trình cổ cần được bảo tồn của đất nước.
Kiến trúc.
Đình So có quy mô 1100m2, với lối kiến trúc Nội Công Ngoại Quốc, nghĩa là kiến trúc bên trong có hình chữ Công (工), bên ngoài có hình chữ Quốc (国). Gồm những công trình: nhà Đại Bái, Hậu Cung, 2 dãy nhà hành lang, và nhà Tam Quan tại cổng trước. Phía trước đình là một sân làng rộng, nằm cạnh một hồ sen hình bán nguyệt do dân làng nắn đê sông Đáy tạo thành.
Nhà Đại Bái chưa một lần tu sửa kể từ sau khi xây dựng, thể hiện sự vững chắc của công trình. Với chiều dài 32,9m, chiều rộng 13,1m, gồm 5 gian, 2 trái, 2 dĩ, tạo nên không gian rộng rãi, thoáng đãng, là nơi diễn ra các hoạt động thờ cúng chính của Đình. Với kiến trúc thời nhà Lê, nhà Đại Bái có 4 mái lợp ngói mũi hài, các cột, kèo làm từ gỗ lim, tường nhà được xây dựng lên bởi gạch và các tấm gỗ. Các tấm bong, kèo gỗ được trang trí bằng những hình rồng phượng chạm khắc tinh xảo. Phía trước nhà Đại Bái là bậc tam cấp, với hai bên đặt hai Rồng đá được chạm khắc phong cách thời Lê, với mình ngắn, khỏe khoắn, chân 5 móng đang ôm ngọc.
Nhà Tam Quan phía trước cổng Đình đã được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét cổ kính. Với thiết kế 2 tầng, 8 mái, nhà Tam Quan là nơi đầu tiên mọi người có thể ngắm nhìn khi đi ngang qua Đình So.
Lễ hội Đình So.
Đình So hàng năm có 3 ngày lễ lớn. Hội Làng được tổ chức vào ngày 8-10 tháng 2 âm lịch, kỷ niệm ngày sinh của ba vị Thành Hoàng, với các hoạt động tế lễ, rước kiệu và các hoạt động văn hóa như mua hát và nhiều trò chơi dân gian.
Lễ Khao Quân ngày 10 tháng 7 âm lịch để tưởng nhớ ngày các ngài cứu giá vua Đinh, khao thưởng quân sỹ. Vào ngày này dân làng sẽ dâng lễ là một con trâu, sau khi làm lễ cả làng sẽ thụ lộc ngay tại sân Đình.
Lễ Thánh Hóa ngày 10 tháng Chạp kỷ niệm ngày mất của ba vị. Ngày này người dân sẽ dâng lễ cúng chay, lễ được chuẩn bị bởi trai tráng trong làng.
Cả ba ngày lễ tại Đình So đều là các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng được đông đảo người dân từ khắp nơi đổ về tham dự. Họ về đây để được chiêm ngưỡng kiến trúc ngôi đình, đắm mình vào các hoạt động văn hóa và tìm hiểu về truyền thống làm miến dong tại làng So.
Kết luận.
Đình So không chỉ là di tích lịch sử quý giá mà còn là biểu tượng tinh thần của làng So nói riêng và vùng đất Xứ Đoài nói chung. Với vẻ đẹp trường tồn theo thời gian, Đình So xứng đáng là điểm đến không thể bỏ qua khi khám phá văn hóa truyền thống Việt Nam. Hãy cùng đón xem các tập vlog tiếp theo của Xe Lười để cùng tìm hiểu các nét văn hóa độc đáo của đất nước.
Xe Lười là câu lạc bộ xe đạp trợ lực điện từ PiGo, được thành lập tạo sân chơi cho những thành viên yêu thích khám phá văn hóa Việt. Chúng tôi sẽ cố gắng mang đến những góc nhìn mới về những địa điểm văn hóa nổi tiếng. Để mua ngay xe đạp trợ lực điện của PiGo hoặc đăng ký thành viên tham gia câu lạc bộ, hãy liên hệ ngay với chúng tôi, Hotline: 0914.317.357.
Xem video về Đình So do Xe Lười thực hiện tại đây: